Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước

Đó là mục tiêu được đề ra trong hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” tổ chức tháng 11/2017 tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, giai đoạn 2002-2010 có xét đến năm 2020, ngành cơ khí đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp tăng theo từng năm, từ 16% năm 2002 lên 25,1% năm 2010. 

Một số phân ngành cũng đã có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể, về thiết bị toàn bộ, trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất 30.000 tấn/năm…Thiết bị ngành điện đã sản xuất được máy biến áp đến 500 KVA và các thiết bị trạm biến áp đến 220kV…

Tuy nhiên, một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2002-2010 chưa được hoàn thành, như: mục tiêu đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cho cả nước ngành mới chỉ đáp ứng được 32,31%; Chưa khắc phục được tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí, chỉ tiêu đối với các phân ngành quan trọng như cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến…còn thấp; năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt còn ít ỏi…

Nguyên nhân là do mục tiêu của ngành đặt ra trong chiến lược giai đoạn vừa qua quá rộng, mang tính chủ quan và chưa đánh giá đầy đủ về khó khăn, cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Các ngành ưu tiên bao phủ gần như toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo trong khi nguồn lực hạn chế, các điều kiện về hạ tầng nền công nghiệp còn yếu kém. Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ tuy nhiên kém tính thực thi do thiếu nguồn lực…

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực cơ khí có khả năng cạnh tranh, đáp ứng cơ bản các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và xuất khẩu…

Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…Cụ thể, năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21%, năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60%.

Đại diện Viện nghiên cứu cơ khí Narime cho hay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về đầu tư, vốn vay, đất đai, thuế thì đã có đầy đủ, nhưng liệu các hỗ trợ này có đến được với doanh nghiệp hay không bởi trong bối cảnh khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp cơ khí hiện nay, cùng xu thế hội nhập thì các ưu đãi sẽ dần được xóa bỏ. Do vậy, dung lượng thị trường, hỗ trợ thị trường cái gì, bảo vệ thị trường ra sao và bảo vệ đến lúc nào mới là điều các doanh nghiệp ưu tiên quan tâm. Sau đó mới là các chính sách ưu đãi khác.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, chúng ta phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. 

Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, đưa ra một chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn tới cụ thể hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể trông chờ quá nhiều vào các chính sách của nhà nước, mà bản thân doanh nghiệp cần tự lực, liên kết với nhau tốt hơn nữa.